Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản quốc tế

Ngày 27 Tháng Tư, 2014, cùng với vị Giáo Hoàng nhân hậu Gioan XXIII, người có công đưa Giáo Hội Công Giáo đi vào thế giới qua đệ nhị Công Ðồng Vatican, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được chính thức tuyên Thánh.

Nhân dịp này, chúng ta thử nhìn lại vai trò của vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ trong biến cố Ðông Âu cuối thế kỷ trước, biến cố đưa tới sự sụp đổ bất ngờ của chủ nghĩa Mác-Xít-Lênin-Nít, khởi đầu tại Ba Lan, dẫn tới các quốc gia Ðông Âu và cuối cùng là Liên Bang Xô Viết.

Ðây là một đề tài lớn. Vì giới hạn của trang báo, chắc chắn sẽ có nhiều thiếu sót. Mong độc giả góp ý thêm.

Ðức Giáo Hoàng John Paul II và tổng thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan, trong chuyến đức Thánh Cha ghé thăm Hoa Kỳ năm 1987. (Hình: Jack Kightlinger/White House/Time Life Pictures/Getty Images)

***

Nói về căn nguyên và tác nhân đưa tới sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản quốc tế, có lẽ không ai có thẩm quyền hơn ông Mikhail Gorbachev, chủ nhân ông điện Cẩm Linh và là tổng bí thư cuối cùng của đảng Cộng Sản Liên Xô. Hồi tưởng lại những gì đã xảy ra, dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống chư hầu cộng sản Ðông Âu và cái nôi của nó là Liên Bang Xô Viết đầu thập niên chót thế kỷ 20, Gorbachev viết: “Lúc này có thể nói rằng: tất cả những gì đã xảy ra ở Ðông Âu trong những năm gần đây sẽ không thể xảy ra được, nếu không có vai trò vĩ đại của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.” (1)

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, chúng tôi hy vọng có thể trình bày trong muôn một vai trò vĩ đại ấy của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Vị trí đặc thù của Ba Lan

Nhìn vào vị trí Ba Lan trên bản đồ các quốc gia trong hệ thống chư hầu cộng sản Ðông Âu và Liên Bang Xô Viết, không ai có thể ngờ rằng quốc gia này lại có thể là quân cờ đầu trong thế cờ Domino làm sụp đổ toàn khối cộng sản trong vùng cuối thế kỷ trước. Nhìn sang phía Ðông, Ba Lan tiếp giáp các cộng hòa Ukraina, Bielorus, Lithuania thuộc Liên Xô; trọn biên giới phía Tây là Ðông Ðức; phía Nam bao vây bởi các quốc gia cộng sản trong Minh Ước Varsovie như Tiệp, Hungary, Rumania, Bulgaria; trong khi phía Bắc tiếp giáp biển Baltic, còn lại là Liên Xô và một phần các Cộng Hòa thống thuộc Liên Bang Xô Viết.

Ở vị trí hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài như vậy, khó ai nghĩ rằng Ba Lan có thể làm nên lịch sử, cho dù trong những thập niên 50, 60 đã có những cuộc nổi dậy qui mô của quần chúng tại Hungary và Tiệp! Chính điều này đã làm sáng lên nhận định của ông Mikhail Gorbachev.

 

Vị trí đất nước Ba Lan


Viếng thăm đất mẹ Ba Lan

Sau khi Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đột ngột qua đời ngày 28 Tháng Chín, 1978, chẵn 18 ngày sau, 16 Tháng Mười, Hồng Y Karol Wojtyla được bầu chọn để trở thành người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đầu tiên đến từ Ba Lan, một quốc gia Cộng Sản. Ðây là điều ngạc nhiên, không chỉ với hơn một tỷ tín hữu Công Giáo, mà còn cả với tân Giáo Hoàng. Riêng những người cầm đầu điện Cẩm Linh, ngoài tâm trạng ngỡ ngàng, đối với họ, sự kiện này hàm ẩn một mối lo tâm phúc.

Cũng vì thế, khi được biết Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có ý định thăm viếng Ba Lan, Moscow ráo riết tìm cách ngăn cản. Những cuộc trao đổi, khi công khai khi âm thầm, giữa Moscow và Varsovie liên tiếp diễn ra không ngoài mục tiêu tìm biện pháp ngăn chặn không cho ý định trên của tân Giáo Hoàng trở thành hiện thực. (2)

Người ta chưa quên sự kiện vào năm 1966, dưới áp lực của Moscow, Ðông Berlin và các nước trong khối Ðông Âu, Gomulka, tổng bí thư cộng đảng Ba Lan hồi ấy đã từ chối không cho Giáo Hoàng Phaolô VI viếng thăm Ba Lan nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Giáo Hội Công Giáo có mặt tại quốc gia này.

Nhưng, với thái độ kiên trì và những cuộc vận động không ngừng nghỉ, chỉ vỏn vẹn hơn 7 tháng sau ngày đăng quang, tân giáo hoàng gốc Ba Lan chính thức mở cuộc tông du lần thứ nhất trong 8 ngày trên quê hương của ngài.

Theo nhận định của hầu hết các quan sát viên quốc tế, chính cuộc viếng thăm Ba Lan từ ngày 2 đến 10 Tháng Sáu, 1979, của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gieo vào tâm hồn và trí não quần chúng lao động, bao gồm giới trẻ của đất nước cộng sản này nguồn hứng khởi, ươm mầm cho sự ra đời của Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, cơ cấu chủ lực khiến cho Varsovie trở thành con cờ đầu trong bàn cờ Domino ngã xuống, kéo theo sự sụp đổ dây chuyền trong hệ thống chư hầu Cộng Sản Ðông Âu, và sau chót là Liên Bang Xô Viết, chiếc nôi của chủ nghĩa cộng sản.

Dựa vào chứng từ trong các tác phẩm “His Holyness, John Paul II and the Hidden History of our Time” của hai tác giả Bernstein, Carl & Polity, Marco, do Doubleday, New York NY, Hoa Kỳ ấn hành năm 1996; “Pope John Paul II, The Biography” của Szulc Tad, do Scribner, New York NY, Hoa Kỳ ấn hành năm 1995; “The Key of this Blood” của Martin, Malachi do Simson & Schuster, New York NY, Hoa Kỳ ấn hành năm 1990, người viết tóm tắt vài nét tiêu biểu ghi đậm dấu ấn lịch sử trong cuộc viếng thăm Ba Lan lần đầu của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

…Những tràng pháo tay như vũ bão dội vang khu lễ đài khi vị giáo hoàng gốc Ba Lan xuất hiện. Nhưng ngay sau đó, một không khí yên lặng tuyệt đối bao phủ trên quảng trường.

Ngày 27 Tháng Mười Hai, 1983, Ðức Giáo Hoàng John Paul II vào nhà tù Ancona thăm Ali Agca, người ám sát ngài vào ngày 13 Tháng Năm, 1981 tại Quảng trường Thánh Phê Rô. Agca được phóng thích ngày 12 Tháng Giêng, 2006. (Hình: STAFF/AFP/Getty Images)

Trong bài thuyết giảng, ngài nhắc lại sự kiện trước đây Giáo Hoàng Phaolô VI không thực hiện được ý muốn mở cuộc viếng thăm mục vụ Ba Lan. Trước rừng tín hữu đang say sưa uống lấy từng lời, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lớn tiếng tuyên xưng những điều làm cho các lãnh tụ Varsovie và Moscow sợ hãi nhất: “Ðối với Ba Lan, Giáo Hội đã đem Chúa Giêsu Kitô tới như là mấu chốt để hiểu được cái thực tại nền tảng và lớn lao đó là con người… Không ai có thể loại Chúa Giêsu ra khỏi lịch sử nhân loại, dù bất cứ trên phần lãnh thổ nào của trái đất. Loại Chúa Giêsu ra khỏi lịch sử là một tội phạm chống lại chính con người.”

Ngồi cạnh bàn thờ, Tổng Giám Mục Agostino Casaroli, tổng trưởng ngoại giao Tòa Thánh, cảm nhận rõ ràng ý nghĩa thâm sâu hàm súc bên trong diễn từ của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Với những lời lẽ như thế, hiển nhiên ngài đã công khai đoạn tuyệt với chính sách hòa hoãn của Vatican đối với các chế độ cộng sản từ 20 năm qua… Những lời tuyên tín của ngài đánh dấu sự khởi đầu khúc ngoặt quan trọng của Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan, tại Ðông Âu, tại Liên Bang Xô Viết và bao trùm cả những vấn đề của thế giới, một thế giới đang mặc nhiên bị đặt trong tình trạng chiến tranh lạnh giữa hai khối cộng sản và tự do từ nhiều thập niên qua.

Xuyên qua nội dung những lời tuyên tín của vị Giáo Chủ, Giáo Hội Công Giáo đã tự minh định một vai trò mới. Qua đó, Vatican công nhiên đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền, tự do, nhân phẩm cũng như những giá trị Kitô, một sự tôn trọng dành cho mỗi cá nhân biệt lập, nam cũng như nữ. Vô hình trung, những đòi hỏi này là một sự tấn công trực diện vào ý thức hệ Mác-xít toàn cầu.

Càng về cuối bài thuyết giảng, đám đông tại lễ đài càng tăng thêm. Theo ước tính của cơ quan cảnh sát Varsovie, số người hiện diện, từ giới hạn 300 ngàn, đã lên tới trên dưới nửa triệu, vì những người không có vé tham dự chính thức đã tìm cách len lỏi vào được bên trong.

Trên bục giảng, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp tục cất cao giọng: “Chúa Giêsu Kitô sẽ luôn luôn là cuốn sách mở rộng, cho con người, cho danh dự con người, cho những quyền năng căn bản của con người. Ðồng thời Chúa Giêsu Kitô cũng là cuốn sách của sự hiểu biết về danh dự và quyền năng của quốc gia…”

Một tràng pháo tay vang rền như biển động kéo dài cả chục phút như quyện lấy cái bóng trắng của Giáo Hoàng dưới chân thập tự giá khổng lồ trên địa điểm hành lễ. Tiếp theo, cả quảng trường vang lên lời ca chiến thắng: “Christus vincit, Christus regnat, Christus Imperat” (Chúa Kitô chiến thắng, Chúa Kitô hiển trị, Chúa Kitô quang vinh)…

Sáng hôm sau, 3 Tháng Sáu, Giáo Hoàng dâng Thánh lễ trước khoảng trên 200 ngàn sinh viên. Những người trẻ mang theo họ mỗi người một cây thập tự dài cỡ 12 inches. Từng đợt như sóng biển nhấp nhô, họ giơ cao thập tự hướng về phía vị Giáo Hoàng trong tâm tính hân hoan, tín thác.

Kể từ ngày thứ ba, 4 Tháng Sáu, cuộc viếng thăm trở thành cuộc hành hương chiến thắng của vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo trên quê hương của ngài.

Sáng 10 Tháng Sáu, ngày cuối cuộc du hành mục vụ lần thứ nhất, theo ghi nhận của tác giả “His Holyness,…” ước tính có khoảng 2 triệu 500 ngàn dân chúng tụ tập tại Blonie để chào mừng ngài – hiện tượng có một không hai trong một quốc gia Cộng Sản!


Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan ra đời

Ðức Giáo Hoàng John Paul II (phải) đón lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev (trái) ngày 1 Tháng Mười Hai, 1989, tại Roma, trong cuộc gặp gỡ lịch sử ở Vatican. (Hình: Derrick Ceyrac/AFP/Getty Images)

Từ cuộc viếng thăm lịch sử ấy, người dân Ba Lan như được đánh thức sau giấc ngủ dài. Một cao trào đấu tranh trong hàng ngũ công nhân, thợ thuyền bùng lên như thác lũ. Trong bối cảnh ấy, Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, dưới sự lãnh đạo của người thợ điện Lech Walesa, chính thức ra đời với hàng triệu đoàn viên. Ðây là một thách đố đối với chủ nghĩa bá quyền cộng sản, một chủ nghĩa sống nhờ sức lao động nhưng lại phủ nhận tất cả mọi quyền sống, quyền tự do của người lao động.

Hàng loạt những cuộc đình công do Công Ðoàn Ðoàn Kết chỉ đạo nổ ra khắp nước. Trước tình trạng ấy, Moscow quyết liệt phản ứng. Trong khi dồn áp lực lên Varsovie, đòi ban bố lệnh thiết quân luật và đặt Công Ðoàn Ðoàn Kết ra ngoài vòng pháp luật, các đại đơn vị quân đội Liên Xô và chư hầu âm thầm được huy động tới biên giới Ba Lan.

Trước tình trạng ấy, dĩ nhiên Giáo Hoàng Gioan Phaolô không ngồi yên. Ngày 22 Tháng Hai, 1980, ngài gửi một văn thư khẩn cho Brezhnev, yêu cầu ông ta tự chế, không được can thiệp vào nội tình Ba Lan (3).

Ngày 23 Tháng Ba, 1981, đại sứ Nga tại Ý yết kiến Giáo Hoàng trong hai tiếng đồng hồ. Kết quả, Moscow hứa không can thiệp vào nội bộ Ba Lan trong vòng sáu tháng; đổi lại, Giáo Hoàng dùng ảnh hưởng giảm bớt cường độ những cuộc đình công do Công Ðoàn Ðoàn Kết chỉ đạo.

Nhưng, chỉ hơn một tuần sau, một loạt biến cố xảy ra. Ðầu Tháng Tư, 1981, tướng Jaruzelski và Kania được Moscow triệu tới một địa điểm bí mật ở biên giới để nhận chỉ thị phải cấp tốc ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ và khai tử Công Ðoàn Ðoàn Kết. Ngay sau đó, nhiều lãnh tụ cao cấp của Công Ðoàn, kể cả Lech Walesa, bị tống giam. Nhiều người khác phải bỏ trốn.

Hơn một tháng sau, nhằm ngày 13 Tháng Năm, 1981, vị giáo hoàng gốc Ba Lan bị một sát thủ lạ mặt bắn vào bụng hai viên đạn khiến ngài gục ngã, máu chảy lênh láng ở quảng trường Thánh Phêrô. Tại bệnh viện, ngài phải trải qua một cuộc giải phẫu 5 giờ 20 phút, khoảng 60% lượng máu bị mất. Bác sĩ phải cắt bỏ 22 inches ruột non, nhưng may mắn ngài thoát chết. Kẻ sát nhân tên là Mehmet Ali Agca, mà, ngay sau khi thực hiện vụ mưu sát, đã nói rằng cơ quan mật vụ KGB của Xô Viết điều khiển vụ này. Cho đến nay, câu hỏi ai đứng đàng sau vụ mưu sát vẫn còn là điều bí ẩn.

Một trùng hợp hi hữu, ngày 13 Tháng Năm là ngày tháng Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra lần đầu với ba em bé ở Fatima vào năm 1917. Sự kiện này khiến Giáo Hoàng Gioan Phaolô tin rằng ngài đã được Mẹ Thiên Chúa cứu mạng. Sau khi bình phục, Giáo Hoàng vào tận lao thất thăm kẻ sát nhân, ôm y vào lòng như một cử chỉ tha thứ. Sau đó, ngài sang tận Fatima tạ ơn Ðức Mẹ.

Hiển nhiên, do ý thức cảnh giác, hơn ai hết Moscow sớm nhận ra tính cách nguy hiểm đối với chủ nghĩa cộng sản tiềm tàng trong sự kiện một nhân vật xuất thân trong khối Cộng Sản được Vatican bầu vào ngôi vị Giáo Hoàng. Cho nên khi thấy không còn cách nào triệt tiêu ảnh hưởng của ngài, điện Cẩm Linh đã không từ bỏ độc thủ cuối cùng là mưu sát ngài, mong làm bặt đi tiếng nói của người lãnh đạo tinh thần thế giới Công Giáo.

Ngày 16 Tháng Sáu, 1983, Giáo Hoàng Gioan Phoalo II mở cuộc viếng thăm quê hương lần thứ hai.


Hoa trái của lòng tin

Giữa những thời khoảng ấy, bên cạnh thảm cảnh tù tội, đói nghèo về vật chất cũng như tinh thần mà người dân Ba Lan phải chịu, vẫn không ngớt lóe lên những tia lửa của hy vọng, của niềm tin. Những lời cầu nguyện, những tín hiệu của tình yêu thương dội lên từ quảng trường Thánh Phêrô, và từ khắp các giáo đường Công Giáo trên hoàn vũ như một biểu thị của tình liên đới giữa vị giáo hoàng gốc Slav và đám đông quần chúng lao động lầm than sau bức màn sắt.

Cũng trong thời khoảng ấy, xuất hiện trong hàng ngũ giáo sĩ Ba Lan một linh mục can trường từng được dư luận coi là con cưng của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ðó là cha Jerzy Popielusko (4), một linh mục trẻ, thể lực gầy mòn yếu đuối, nhưng chất chứa bên trong một nội lực thâm hậu, một trái tim nhạy bén, tràn ngập yêu thương và một tinh thần kiên cường, bất khuất. Do tình cờ đưa đẩy, cha trở thành vị linh hướng đầu tiên của Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan. Cha cũng là người có sáng kiến tổ chức những “Thánh Lễ Cầu Cho Quê Hương” ở thủ đô Varsovie và sau đó lan khắp lãnh thổ Ba Lan. Hàng chục ngàn công nhân đã tìm về tham dự, lắng nghe cha Jerzy thuyết giảng. Những bài giảng của cha được lén lút in ra, kể cả thâu vào băng nhựa, phổ biến khắp nơi.

Ảnh hưởng của cha Jerzy càng lớn thì cạm bẫy của công an, mật vụ giăng ra càng dày đặc. Những lời hăm dọa được gửi đến. Nhưng vị linh mục trẻ vẫn không lùi bước. Cha nói: “Là môn đệ Chúa Kitô thì phải đeo đuổi con đường công chính đến cùng.” Sau vài lần thoát hiểm trong những vụ mưu sát, trước mối âu lo trăn trở của giáo dân, cha thản nhiên tuyên bố: “Ðiều tệ hại nhất họ có thể gây ra cho tôi là giết chóc về thể xác.

Và chuyện phải đến đã đến. Một đêm Tháng Mười, 1984, mật vụ cộng sản Ba Lan phục kích bắt cóc cha Jerzy và tra tấn đến chết, buộc đá vào thi thể ngài, thả xuống sông Vistula cách Varsovie 80 dặm về hướng Bắc. Cái chết thảm khốc của người mục tử trẻ cùng với phản ứng của Giáo Hoàng Gioan Phaolo II sau đó đã thổi vào bầu khí đấu tranh tại Ba Lan một luồng gió mới.

Ngày 8 Tháng Sáu, 1987, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về thăm quê hương Ba Lan lần thứ ba. Trong Thánh lễ cử hành tại một lễ đài vĩ đại ở Gdansk, chiếc nôi của Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên tiếng trước khoảng một triệu công nhân và gia đình họ. Nhắc lại những thỏa hiệp đạt được giữa Varsovie và giới lao động năm 1980, Ngài nói: “Những thỏa hiệp này sẽ đi vào lịch sử Ba Lan như một dấu ấn về sự tăng trưởng lương tâm của giới cần lao liên quan tới toàn bộ trật tự luân lý, xã hội trên mảnh đất này.

Phóng tầm mắt bao quát rừng biểu ngữ nhấp nhô trong biển người trước mặt, người lãnh đạo tinh thần thế giới Công Giáo thân mật lên tiếng: “Tại Vatican, cha cầu nguyện mỗi ngày cho đất nước Ba Lan, cho các con là những người đang đổ mồ hôi làm việc. Cha cũng cầu nguyện đặc biệt cho sự hiện hữu của Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan.

Từ đám đông quần chúng hiện diện, người ta nghe được những tiếng vỗ tay tán thưởng, những tiếng cười chen lẫn tiếng khóc. Khi Giáo Hoàng đề quyết “không có cuộc chiến đấu nào hữu hiệu hơn cuộc chiến đấu của Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan,” tác giả “His Holuness…” ghi nhận: “Với cuộc thăm viếng lần thứ ba này, khó ai giấu được cảm nghĩ là ngày cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan không còn bao xa nữa.

Tổng Thống Ba Lan Lech Walesa (phải) hôn tay Ðức Giáo Hoàng John Paul II ngày 8 Tháng Sáu, 1991, tại Warsaw, Ba Lan. Trong tay ông Walesa là bản copy đầu tiên của Hiến Pháp Ba Lan. (Hình: Mike Persson/AFP/Getty Images)

Cuối năm 1988, dù vẫn trong tình trạng quản thúc, lãnh tụ Công Ðoàn Ðoàn Kết, Lech Walesa, được mời tới gặp Tướng Czeslav Kiszczak, bộ trưởng Nội Vụ. Ngày 6 Tháng Hai, 1989, những cuộc thương thảo khởi đầu giữa các nhóm đối lập, trong đó có Công Ðoàn Ðoàn Kết và nhà cầm quyền Varsovie.

Chẵn hai tháng sau, ngày 6 Tháng Tư, một văn kiện lịch sử được ký kết, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa Cộng Sản Ba Lan. Trong cuộc phổ thông đầu phiếu ngày 4 tháng Tám năm ấy, Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan chiếm 262 ghế trong số 263 ghế tại Quốc Hội mới – một kỷ lục chưa từng thấy xưa nay trong những cuộc bầu cử tự do.

Nối gót Ba Lan, một loạt biến cố tương tự lần lượt diễn ra trong khối Cộng Sản. Sau khi bức tường Bá Linh bị triệt hạ, những con cờ Domino trong hệ thống chư hầu Ðông Âu theo nhau sụp đổ. Khởi đầu là Ðông Ðức, tiếp đến là Bulgaria, Hungary, Tiệp lần lượt đổi chủ một cách hòa bình. Riêng Romania, máu đã đổ. Do thái độ ngoan cường, khát máu, vợ chồng lãnh tụ Nicolae Ceausescu bị đám đông biểu tình hạ sát trước khi xóa sổ chế độ độc tài này. Sau chót, Liên Bang Xô Viết, nơi chôn nhau cắt rốn của chủ nghĩa Cộng Sản, cũng thở hơi cuối cùng.

Không chỉ cộng sản chủ nghĩa mà cả tư bản cũng bất toàn!

Với cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một câu hỏi đặt ra là liệu Ngài có hoàn toàn hài lòng trước sự cáo chung của Cộng Sản chủ nghĩa? Ðể trả lời cho câu hỏi trên, mời độc giả đọc đoạn sau đây trong bài “The Triump of John Paul II” của nhà báo Stefan Kaufer, đăng trên tạp chí Life tháng 12, 1989 như lời kết cho bài viết này.

Vào thời gian quay quắt giữa hy vọng và tiến hộ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn chưa lạc quan. Ngài biết rằng những phát triển giống như các nhà độc tài, có thể bị chết yểu. Mặc dầu với những cởi mở trong chính sách, khối Ðông Âu hậu cộng sản vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn sâu đậm… họ cần tới những ‘phép lành’ cụ thể như cơm áo, việc làm, nhất là một cuộc sống hòa bình thật sự. Vì thế, Ngài không chỉ hài lòng với những thắng lợi ở Ðông Âu. Mục tiêu của Ngài không phải là một cuộc Thánh Chiến nhằm triệt tiêu chủ nghĩa Cộng Sản, mà chính là sự giải phóng toàn thế giới. Trong mắt vị Giáo Hoàng gốc Ba Lan, cả hai chủ nghĩa Cộng Sản và Tư Bản đều bất toàn. Cả hai đều không đáp ứng được những tiếng kêu gào đòi công lý, tự do, hòa bình và nhân phẩm của con người. Cả hai đều bất toàn và cần được cải thiện từ gốc rễ… Ngài từng nhấn mạnh: ‘Muốn bảo vệ Hòa Bình, hãy quan tâm tới Con Người.’” (5)

Trần Phong Vũ

Ghi chú:

(1) Trích trong bài “My Partner, The Pope” của Gorbachev đăng trên New York Times ngày 9 Tháng Ba, 1993.

(2) Sau ngày Ðông Âu và Liên Xô sụp đổ, qua những tài liệu được bạch hóa, người ta biết, khi hay tin Giáo Hội Công Giáo Ba Lan chính thức mời tân Giáo Hoàng về thăm quê hương, Tổng Bí Thư Cộng Ðảng Liên Xô, Brezhnev, đã công khai bày tỏ thái độ công phẫn. Ngay lập tức y gọi điện thoại cho đệ nhất bí thư đảng Cộng Sản Ba Lan là Gierek để nặng lời khiển trách. Xuyên qua nội dung cuộc điện đàm giữa hai nhân vật này, được Tad Szulc ghi lại trong cuốn “Pope John Paul II – The Biography,” người ta hình dung được phần nào phản ứng điên cuồng của điện Cẩm Linh lúc bấy giờ.

Theo lời kể lại của Gierek thì trong cuộc điện đàm, sau khi nhắc lại tin giáo quyền Ba Lan chính thức lên tiếng mời Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về thăm quê hương, Brezhnev lên tiếng cật vấn để biết thái độ của ông ta về vấn đề này. Nội dung cuộc điện đàm như sau:

Brezhnev: Ðồng chí dự tính sẽ xử sự ra sao?

Gierek: Tôi sẽ long trọng tiếp đón Ngài.

Brezhnev: Tôi khuyên đồng chí đừng đón tiếp ông ta. Nếu không, sẽ là căn cớ tạo nên rắc rối sau này!

Gierek: Bằng cách nào tôi có thể từ chối đón tiếp vị Giáo Hoàng người Ba Lan khi đại đa số đồng bào tôi là tín hữu Công Giáo? Ðối với họ, trường hợp Karol Wojtyla được chọn làm Giáo Hoàng là một danh dự lớn. Ðồng chí thử nghĩ xem tôi sẽ ăn nói làm sao với dân chúng Ba Lan nếu tôi từ chối không đón tiếp Ngài?

Brezhnev: Giáo Hoàng là một người khôn ngoan. Ðồng chí cứ đưa ý kiến cho ông ta là nên công khai tuyên bố không thể rời Vatican về thăm Ba Lan lúc này vì lý do sức khỏe hoặc vì bất cứ lý do nào khác.

Gierek: Ðồng chí Leonid, tôi không thể làm như thế được. Tôi bắt buộc phải tiếp đón Ngài.

Brezhnev: Cựu tổng bí thư Gomulka là một người Cộng Sản khá hơn vì đã biết từ chối không cho Giáo Hoàng Phaolô VI thăm Ba Lan trước đây nên đã không có chuyện gì ghê gớm xảy ra. Nhờ thế mà Ba Lan tồn tại. Và Ba Lan sẽ tiếp tục tồn tại, nếu lần này đồng chí cũng làm như vậy.

Gierek: Dù sao, trên phương diện chính trị, tôi phải đón tiếp Ngài.

(Dựa theo Chương VIII “Những Thách Ðố” trong tác phẩm biên khảo “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Ðại” của Trần Phong Vũ, do Tiếng Quê Hương ấn hành dịp Giáo Hoàng qua đời năm 2005 và tái bản lần thứ nhất 8 tháng sau đó.)

(3) Theo tác giả “His Holynesss…” thời gian ấy, xã hội Ba Lan loan truyền tin đồn là nếu hồng quân Liên Xô xâm lăng Ba Lan, đích thân Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ hồi hương dùng chính thân xác mình bảo vệ dân chúng trước xe tăng và họng súng của quân xâm lược. Lời đồn này thật đến đâu không ai biết chắc. Tuy nhiên, sự kiện mọi người đều rõ là kể từ sau chuyến viếng thăm Ba Lan lần thứ nhất, ngài đã không ngừng vận động sự hỗ trợ của các chính khách quốc tế, đặc biệt là Tổng Thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan, khiến một thời người ta nói tới một thứ liên minh giữa Vatican và Hoa Thịnh Ðốn, gọi là Liên Minh Thánh.

(4) Tìm đọc chương XXVIII “Vụ Thảm Sát Một Linh Mục Ba Lan” từ trang 429 tác phẩm biên khảo “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Ðại” của Trần Phong Vũ, do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành.

(5) Lược trích bản dịch bài báo này trong Phần Phụ Lục (chương XXVII) tác phẩm biên khảo “Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thời Ðại” của Trần Phong Vũ.

Bài này đã được đăng trong Giáo Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này