Khi tất cả đều ‘đúng quy trình’

Gần đây, khi lý giải về những vụ việc nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản của nhà nước, hay của công dân thậm chí là cả tính mạng của không ít người thì các cán bộ có trách nhiệm đều lên tiếng khẳng định rằng họ đã thực hiện đúng quy trình.

Đúng quy trình?

Hẳn chúng ta ai cũng còn nhớ vụ việc vào năm 2013, khi lực lượng chức năng của Đài Loan đã phát hiện, thu giữ 600 bánh heroin có trọng lượng tới 229 kg, trị giá khoảng $300 triệu, được cất giấu trong 12 loa thùng trên chuyến bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi tới sân bay Đào Viên (Đài Loan). Vụ việc một lượng ma túy hơn 200 kg dễ dàng vượt qua tất cả các hệ thống kiểm tra tối tân bằng người, bằng máy móc tinh vi và cả chó nghiệp vụ của cơ quan an ninh và hải quan Việt Nam là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Vậy mà ông Trần Mã Thông, phó cục trưởng Cục Hải Quan ở Sài Gòn đã khẳng định “xanh rờn” rằng Cục Hải Quan ở Sài Gòn đã làm đúng quy trình, không có sai phạm.

Ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, tại cuộc họp báo công bố nguyên do cá chết ở miền Trung. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Hay như vụ nữ sinh Lê Thị Hà Vi ở Đắk Lắk bị cưa chân oan, nguyên do bệnh viện đa khoa Cư Kuin “có sai sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu xảy ra đã không được xử trí kịp thời” theo như kết luận của Sở Y Tế Đắk Lắk. Tuy vậy, lãnh đạo Sở Y Tế tỉnh này vẫn một mực nhận định rằng bệnh viện đó không vi phạm quy trình khám chữa bệnh (!?) Tương tự như thế, trong ngành y tế đã có rất nhiều những trẻ nhỏ vô tội đã chết sau khi tiêm phòng vắc xin và những người có trách nhiệm trong ngành y tế vẫn khẳng định là họ thực hiện đúng quy trình.

Nghiêm trọng hơn, ở khu vực miền Trung trong những năm trước đây, vì lợi ích cục bộ của một vài nhà máy thủy điện người ta đã bỏ qua chức năng căn bản của những hồ chứa nước, đó là khả năng điều tiết lũ. Để tăng công suất phát điện cho những nhà máy, chủ doanh nghiệp đã xả lũ hết sức tùy tiện, điều đó gây ra hậu quả hết sức thảm khốc. Riêng năm 2014, theo thống kê đã có 41 người chết, 5 người mất tích và 74 người bị thương do mưa lũ. Mưa lũ cũng làm đổ, sập, trôi 410 ngôi nhà; tốc mái, hư hỏng 1,271 ngôi nhà và ngập 425,573 ngôi nhà. Vậy mà điều trần trước quốc hội lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn khẳng định rằng, thủy điện miền Trung đã xả lũ đúng quy trình.

Trong vấn nạn chạy chức, chạy quyền hiện nay cũng vậy. Những người đứng đầu các cơ quan nhà nước thường nói “đúng quy trình” nhằm để biện minh cho việc việc bổ nhiệm người thân hay tay chân của mình và cũng là cách để họ phủ nhận người tài vào các vị trí lãnh đạo.

Như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh một doanh nhân ở Đông Âu trở về, đã được cất nhắc làm lãnh đạo của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), là một người phải chịu trách nhiệm chính trong việc thua lỗ 3.2 ngàn tỷ đồng của công ty này. Theo đánh giá của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương (TW) thì ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm trong việc đã để PVC “thua lỗ triền miên, thiệt hại kinh tế cực kỳ nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niền tin của nhân dân với Đảng và nhà nước.” Vậy mà không biết nhờ phép màu nào mà ông Trịnh Xuân Thanh lại được “ưu ái” điều động về giữ các chức vụ khác ở Bộ Công Thương. Rồi sau đó lại được lãnh đạo tỉnh ủy Hậu Giang xin đích danh về giữ chức phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh. Chưa hết, trong cuộc bầu cử Đại Biểu Quốc Hội (ĐBQH) khóa 14 vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh còn trúng cử ĐBQH với tỉ lệ phiếu bầu cao nhất của tỉnh Hậu Giang. Vậy mà khi vụ việc vỡ lở, một số các bộ của Ban Tổ Chức Trung Ương, Bộ Công Thương và tỉnh ủy Hậu Giang vẫn khăng khăng rằng quá trình bổ nhiệm ông Thanh làm đúng quy trình.

Mới nhất là thảm họa môi trường ở khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ, do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như cuộc sống của hàng triệu người dân sống ở khu vực này và thiệt hại kinh tế có thể đến 1,000 tỷ USD. Khi vụ việc vỡ lở thì người ta mới té ngửa về việc làm ăn tắc trách của các lãnh đạo nhà nước ở các cấp, đặc biệt là vai trò của ông Võ Kim Cự – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người chịu trách nhiệm chính. Điển hình là báo cáo đánh giá tác động của dự án Formosa hầu như không được đề cập tới. Vậy mà, dưới nhan đề “Ông Võ Kim Cự nói về Formosa: Băn khoăn, nhưng đúng quy trình!”, trong cuộc trao đổi với báo Giao Thông tối 25 Tháng Bảy, Đại Biểu Võ Kim Cự – nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã khẳng định như vậy, khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ông và lãnh đạo Hà Tĩnh trong vụ việc liên quan đến Formosa. Ông Võ Kim Cự còn khẳng định rằng cho đến lúc này “Không bộ nào không đồng ý chọn Formosa,” chưa hết, ông Cự còn được người ta phê chuẩn làm ủy viên Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội mà bất chấp sự bức xúc của người dân.

Đúng quy trình, sự vô trách nhiệm của nhà nước ở Việt Nam

Việc hàng loạt vụ việc nhạy cảm gần đây thường được người những có trách nhiệm giải thích là “đúng quy trình” đã cho thấy, những phát ngôn như vậy của các quan chức lãnh đạo là chuyện hết sức phổ biến, nó đồng nghĩa với việc “chúng tôi (nhà nước) không chịu trách nhiệm.” Đây không chỉ là sự vô trách nhiệm của bộ máy nhà nước ở Việt Nam mà còn là sự coi thường nhân dân, mà còn là biểu hiện xa dân. Trong lịch sử loài người, quan hệ giữa kẻ cai trị và người bị trị cũng khó có thể tìm thấy trường hợp tương tự như ở Việt Nam hiện nay.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa, quy trình là một danh từ để chỉ trình tự phải tuân theo để tiến hành một công việc nào đó. Như vậy cụm từ “đúng quy trình” cho thấy cái quy trình quản trị nhà nước ở Việt Nam không phải để phục vụ người dân như quy định của hiến pháp. Mà cái quy trình này luôn được những người trách nhiệm trong bộ máy nhà nước tận dụng nhằm để chối tội và trốn tránh trách nhiệm trước người dân. Như ông Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên thường trực Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội đã bức xúc khi cho rằng:

“Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là… đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn… đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn… đúng quy trình. Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm.”

Đó là nguyên nhân vì sao trong buổi thảo luận cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội vào sáng ngày 25 Tháng Bảy, khi đánh giá về thực trạng của bộ máy nhà nước ở Việt Nam, ĐBQH Bùi Việt Phương, tỉnh Ninh Bình đã thốt lên: “Bán không từ thứ gì, ăn không từ thứ gì” khi nói về bộ máy công chức hiện nay.

Điều đó đã cho thấy, ở Việt Nam hiện nay cái quy trình mà ban lãnh đạo của đảng CSVN đang sử dụng để quản trị và điều hành đất nước chỉ là thứ quy trình để hại người dân mà thôi!

Kami
(Nguồn: Blog RFA)

Bài này đã được đăng trong Bình luận. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này